Giống như cư dân các quốc gia cổ đại khác, người Ai Cập trong thời kỳ này thờ rất nhiều thứ: các thần tự nhiên, các thần động vật, linh hồn người chết, thần đá, thần lửa, thần cây. Các thần tự nhiên chủ yếu gồm có Thiên thần, Địa thần và Thủy thần. Thiên thần gọi là thần Nut, là một nữ thần thường được thể hiện thành hình tượng một người đàn bà hoặc một con bò cái. Địa thần là một nam thần gọi là thần Ghép. Thủy thần, tức là thần sông Nil, gọi là thần Odirix. Chính nhờ có vị thần này mà ruộng đồng tươi tốt, bốn mùa thay đổi, cây chết rồi sống lại. Vì vậy, trong các bài thánh ca ngợi thần Odirix có những câu: “Ngài ban ngũ cốc và thực phẩm trên toàn trái đất cho loài người. Ngài làm cho con người no đủ, Ngài hiện hình thành nước”. Ngoài chức năng nói trên, thần Odirix còn được quan niệm là thần Âm phủ, Diêm Vương.
Cũng như loài người, các thần cũng thường kết hợp với nhau và tạo thành những thần mới.Thần không khí Su chính là kết quả của sự kết hợp giữa Thiên thần Nut và Địa thần Ghép. Về sau, cùng với sự hình thành nhà nước tập quyền trung ương, thần Mặt Trời trở thành vị thần quan trọng nhất.Nơi thờ thần Mặt Trời đầu tiên là thành Iunu, người Hy Lạp gọi là Heliopolix. Thần Mặt Trời ở đây gọi là thần Ra.
Tượng Thần Mặt Trời Helios |
“Theo truyền thuyết, thần Ra hiện hình thành một vầng mặt trời xuất hiện từ một đóa hoa sen, từ đó mặt đất mới có ánh sáng. Thần Ra sinh ra thần Nut và thần Ghép. Thần Ghép bị cây cối che phủ, trên mình thần Nut thì đầy tinh tú, những ngôi sao ấy đi thuyền trên thân thể thần Nut. Một hôm thần Ra khóc, từ trong nước mắt của thần Ra đã sinh ra loài người. Đến khi thần Ra già, xương của thần biến thành bạc, thịt của thần biến thành vàng, tóc biến thành đồng. Vì thần Ra đã già nên một số thần và loài người không phục tùng thần Ra nữa. Vì vậy thần Ra sai nữ thần Hato hủy diệt loài người. Khi Hato bắt đầu giết loài người, thần Ra đổi ý, muốn ngăn thần Hato lại. Thần Ra bèn đổ mấy thùng rượu ngon trước mặt Hato, Hato uống say rồi ngủ thiếp đi, do đó loài người được cứu khỏi bị hủy diệt. Sau đó thần Ra cưỡi trên lưng thần Bò bay lên trời”.
Đến thời trung vương quốc, Thebes trở thành kinh đô của cả nước.Vì vậy thần Mặt Trời Amon của Thebes trở thành vị thần cao nhất của Ai Cập. Thời kỳ này, thần Amon cũng được gọi là thần Amon-Ra. Người Ai Cập tin rằng, hằng ngày thần Amon-Ra ngự thuyền vàng đi trên bầu trời, ban đêm thì xuống thế giới dưới đất, sáng sớm lại lên vương quốc ban ngày và chiếu những tia sáng của mình lên mặt đất. Bài thánh ca ca ngợi thần Amon-Ra viết:
“Thần Amon-Ra nhân từ, xin ngài hãy tỉnh lại!
Kẻ thống trị cả hai thế giới, vị thần nhân từ và huy hoàng chói lọi. Khi ngài ngự trên vòm cao, các thần và mọi người đều phải lạy vầng thái dương, kẻ thù của ngày cũng phải quỳ gối trước mặt ngài. Trời đang vui mừng, đất đang hân hoan. Ngài đem lại cho các thần và mọi người niềm vui của ngày lễ hội”.
Đến thời Ichnaton (1424-1388 TCN) thuộc vương triều XVIII thời Tân Vương Quốc, do thế lực của tầng lớp tăng lực thờ thần Amon ở Thebes quá mạnh nên ông đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo. Ông chủ trương thờ một vị thần Mặt Trời mới gọi là thần Atôn. Thần Atôn được coi là vị thần duy nhất, nên việc thờ cấm các vị thần khác đều bị cấm. Ngoài thần Mặt Trời, người Ai Cập còn thờ thần Mặt Trăng Thoth. Thần Thoth còn được quan niệm là thần văn tự, kế toán và trí tuệ. Thần Mặt Trăng được thể hiện dưới hình tượng một con người đầu chim hồng hạc hoặc đầu khỉ.
Người Ai Cập cổ đại cũng coi trọng việc thờ người chết. Họ quan niệm rằng trong mỗi con người đều có một hình bóng gọi là “can” (linh hồn) hoàn toàn giống người đó như cái bóng ở trong gương. Khi con người mới ra đời thì linh hồn chui vào trong thân thể, khi con người chết thì linh hồn rời khỏi thể xác. Từ đó, linh hồn tồn tại độc lập nhưng con người không thể nhìn thấy, chỉ có thể thấy được trong giấc mộng. Linh hồn tồn tại đến khi thi thể người chết hủy nát thì mới chết hẳn. Nhưng nếu thi thể được bảo tồn thì linh hồn một lúc nào đó sẽ nhập vào thể xác và con người sẽ sống lại. Chính vì quan niệm đó mà người Ai Cập mới có tục ướp xác. “Người Ai Cập cổ đại tin rằng thế giới âm phủ cũng giống như thế giới trần gian, ở đó cũng có sông Nil, thần Ra ngự thuyền đi trên dó. Chúa tể của Âm phủ là thần Odirix. Người mới chết phải chịu sự xét xử của vị thần này. Khi xét xử, thần Odirix ngồi trên ngai vàng, người chết được giải đến trước mặt thần. Thần Tốt và thần Arubix (thần dẫn linh hồn âm phủ) cân quả tim của người chết, đĩa cân bên kia là nữ thần chân lý và chính nghĩa. Nếu người chết có nhiều tội thì trái tim sẽ nặng, lập tức người chết bị một con yêu quái đến ăn thịt”.
Người Ai Cập cổ đại còn thờ nhiều loại động vật từ dã thú, gia súc, chim đến côn trùng như chó sói, cá sấu, rắn, sơn dương, cừu, mèo, hồng hạc, đặc biệt là bò mộng Apix. Ngoài các con vật có thực, người Ai Cập còn thờ các con vật tưởng tượng như phượng hoàng, nhân sư.
“Theo truyền thuyết, phượng hoàng sinh ra từ trong lửa đậu trên một ngọn cây ở Heliopolix (gần Memphix). Tiếng hót của nó hay đến nỗi mặt trời cũng phải lắng nghe. Sáng sớm chính là hiện thân của phượng hoàng được đem dâng cho thần Ra. Đến chiều, khi mặt trời lặn, phượng hoàng chết, sáng hôm sau lại sống lại, lại hót véo von để chào đón bình minh.
Còn nhân sư (Sphynx) là con vật đầu người mình thú. Người Ai Cập tin rằng loài vật này sống trong sa mạc gần đó. Con nhân sư được quan niệm là kẻ bảo vệ đắc lực chống lại mọi thế lực thù địch và hung hãn. Vì vậy, tượng nhân sư thường được đặt trước đền miếu”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét